1. Trải nghiệm tour đêm
Nguồn: Youtube VTV24
Chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thơm:
Mình đi Văn Miếu rất nhiều lần rồi nhưng mà đều là ban ngày, lần đầu tiên mình được đi buổi tối, với những công nghệ hình ảnh và ánh sáng, mình cảm thấy rất khác biệt và độc đáo
Nằm ngay giữa lòng Hà Nội, Văn Miếu Quốc Tử Giám là biểu tượng của nền giáo dục truyền thống Việt Nam. Được xây dựng từ thời nhà Lý, nơi đây không chỉ là ngôi trường đại học đầu tiên của đất nước mà còn là di tích lịch sử lưu giữ tinh hoa văn hóa hơn 1.000 năm.
Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ kính, khám phá những câu chuyện thú vị về truyền thống học hành của người Việt xưa.
2. Thông tin cơ bản về Văn Miếu – Quốc Tử Giám
-
Địa chỉ: Số 58, phố Quốc Tử Giám, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.
-
Giờ mở cửa: 8:00 - 17:00 hàng ngày.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm giữa trung tâm Thủ đô, được bao quanh bởi các tuyến phố nhộn nhịp như Nguyễn Thái Học, Văn Miếu, Tôn Đức Thắng và Quốc Tử Giám.
Địa điểm này không chỉ là nơi tôn vinh nền giáo dục xưa mà còn thu hút hàng ngàn du khách mỗi năm đến tham quan và khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử quý giá.
Giá vé và dịch vụ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám:
-
Người lớn: 70.000 VNĐ/lượt
-
Học sinh, sinh viên Việt Nam: 35.000 VNĐ/lượt (cần xuất trình thẻ)
-
Người cao tuổi, người khuyết tật nặng: 35.000 VNĐ/lượt (có CCCD hợp lệ)
-
Trẻ em dưới 16 tuổi: Miễn phí
Ngoài ra, khu di tích có cung cấp thiết bị thuyết minh tự động, hỗ trợ nhiều ngôn ngữ với chi phí 100.000 VNĐ/máy – phù hợp với du khách nước ngoài hoặc nhóm nhỏ không có hướng dẫn viên. Khi mua vé, du khách có thể lựa chọn thanh toán tiền mặt hoặc qua mã QR.
3. Lịch sử
3.1. Giai đoạn xây dựng
-
Năm 1070: Văn Miếu được xây dựng dưới triều vua Lý Thánh Tông để thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối – những người được coi là tổ sư của Nho học.
-
Năm 1076: Vua Lý Nhân Tông cho xây thêm Quốc Tử Giám, trở thành trường học dành riêng cho con em quý tộc và các gia đình hoàng gia.Trở thành trường đại học đầu tiên của nước ta, nơi đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước trong suốt các triều đại Lý, Trần, Lê và Nguyễn.
3.2. Các giai đoạn phát triển
-
Thời Trần: Trường mở rộng, dạy cả con em thường dân có tài năng xuất sắc và đổi tên thành Quốc học viện.
-
Thời Lê Thánh Tông: Dựng 82 tấm bia Tiến sĩ để ghi danh những người đỗ đạt cao trong các khoa thi.
-
Thời Nguyễn: Quốc Tử Giám được xây dựng thêm tại Huế, Văn Miếu tại Hà Nội được sửa sang và đổi tên thành Văn Miếu Hà Nội.
3.3. Giai đoạn hiện đại
-
Năm 1947: Văn Miếu chịu thiệt hại nặng nề do thực dân Pháp nã đại bác.
-
Năm 1962: Văn Miếu được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Trải qua hơn 1000 năm lịch sử, Văn Miếu vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa, trở thành biểu tượng của tinh thần hiếu học và truyền thống tôn sư trọng đạo.
4. Kiến trúc độc đáo
Quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám có diện tích 54.331m², bao gồm nhiều khu vực như Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hồ Văn, vườn Giám và các công trình phụ trợ. Tất cả đều được xây dựng theo lối kiến trúc cung đình triều Nguyễn, với bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục Bắc – Nam.
4.1. Văn Miếu Môn
Đây là cổng chính dẫn vào khu di tích, gồm 3 cửa Tam quan. Văn Miếu Môn toát lên vẻ uy nghiêm với hai tấm bia đá ghi danh lịch sử xây dựng và các cột trụ được chạm khắc tinh xảo.
4.2. Khuê Văn Các
Khuê Văn Các là biểu tượng của Văn Miếu, được xây dựng vào năm 1805 dưới triều vua Gia Long. Đây là một lầu vuông 8 mái với kiến trúc độc đáo, tầng dưới là 4 trụ gạch, tầng trên sơn son thếp vàng. Những ô cửa sổ tròn tựa ngôi sao khuê tỏa sáng càng làm nổi bật vẻ đẹp tinh tế.
4.3. Vườn bia Tiến sĩ
Vườn bia Tiến sĩ là nơi đặt 82 tấm bia đá ghi danh các Tiến sĩ đỗ đạt từ thời Lê sơ đến Nguyễn. Mỗi bia được đặt trên lưng rùa đá, tượng trưng cho sự trường tồn và trí tuệ. Đây là một trong những công trình độc đáo được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
4.4. Giếng Thiên Quang
Giếng Thiên Quang nằm giữa khu di tích, được thiết kế hình vuông, tượng trưng cho đất, phản chiếu ánh sáng từ Khuê Văn Các. Đây là nơi hấp thụ tinh túy của trời đất, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
4.5. Đại Thành Môn và Đại Bái Đường
Đại Thành Môn là cổng lớn dẫn vào khu vực chính thờ Khổng Tử. Đại Bái Đường là nơi tổ chức các lễ hội và nghi lễ quan trọng. Bên trong còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá như hoành phi, câu đối, tượng thờ và chuông cổ.
5. Những trải nghiệm thú vị tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám
5.1. Tham quan kiến trúc và hiện vật
Văn Miếu là nơi lưu giữ nhiều hiện vật giá trị về lịch sử và văn hóa. Du khách có thể chiêm ngưỡng những tấm bia Tiến sĩ, các công trình kiến trúc cổ kính và hiểu thêm về nền giáo dục xưa.
5.2. Xin chữ đầu năm
Vào dịp Tết Nguyên Đán, Văn Miếu thu hút rất đông người dân đến xin chữ cầu may, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo và ý chí học tập.
5.3. Tham gia hội thơ
Ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, Văn Miếu tổ chức hội thơ, nơi các nhà thơ, nhà văn và những người yêu thơ ca tụ hội, tôn vinh văn hóa Việt.
5.4. Check-in sống ảo
Với khung cảnh cổ kính, tĩnh lặng, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là địa điểm lý tưởng để chụp ảnh, đặc biệt là những bức hình mang phong cách hoài cổ.
6. Địa điểm du lịch gần Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Để có trải nghiệm trọn vẹn, bạn nên ghé thăm Văn Miếu vào buổi sáng sớm hoặc sau 15h để tránh nắng và đông đúc. Sau khi tham quan, bạn có thể kết hợp khám phá các điểm gần đó như Cột cờ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Lăng Bác tất cả đều nằm trong bán kính chưa đến 3km.
Di chuyển thuận tiện bằng taxi hoặc xe đạp, đặc biệt phù hợp với lịch trình nửa ngày khám phá Hà Nội.
-
Cột cờ Hà Nội: Cách 1,1km, biểu tượng lịch sử với vẻ đẹp cổ kính.
-
Hoàng thành Thăng Long: Cách 1,2km, Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.
-
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cách 1,6km, nơi yên nghỉ của vị lãnh tụ vĩ đại.
-
Di tích Nhà tù Hỏa Lò: Cách 1,9km, nơi ghi dấu những năm tháng đấu tranh kiên cường của dân tộc.
7. Lưu ý khi tham quan
-
Trang phục: Ăn mặc lịch sự, kín đáo.
-
Hành vi: Không xâm hại hiện vật, không xoa đầu rùa đá.
-
Quy định: Tuân thủ hướng dẫn của ban quản lý, không gây ồn ào, không xả rác.